Ăn trầu là một tập quán có từ lâu đời của người Việt. Theo các tài liệu lịch sử thì từ thời Hùng Vương, người Việt đã có tục ăn trầu, nhuộm răng đen, gắn liền với truyền thuyết về “Sự tích trầu cau”, kể về tình cảm vợ chồng thủy chung, anh em gắn bó vượt non, vượt suối tìm nhau và cùng hóa thành cây cau, dây trầu, tảng đá quấn quýt bên nhau.
Trong đời sống tinh thần của người Việt, ăn trầu không đơn thuần là một thói quen, tập tục, mà còn là yếu tố cấu thành những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau là đầu trò của giao tiếp, ứng xử, là sự khởi đầu, khơi mở tình cảm, giúp người với người trở nên gần gũi, cởi mở với nhau hơn: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trầu cau là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục… Trầu cau là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình, hạnh phúc. Tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp, từ dân gian tới cung đình, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống.
Miếng trầu không chỉ để nhai chơi mà đã được nâng lên thành nghệ thuật. Cách têm trầu cũng thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế. Tùy từng hoàn cảnh mà trầu được têm theo mỗi cánh khác nhau với ý nghĩa biểu trưng khác nhau: trầu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác… Miếng trầu đã têm còn thể hiện nét tài hoa, khéo léo và tính nết của người têm. Đặc biệt, trầu têm cánh phượng là biểu tượng cho sự duyên dáng, quyến rũ và khéo léo của phụ nữ Việt Nam. Trầu cau là biểu tượng tuyệt vời cho sự gắn kết giữa nam và nữ, giữa vợ với chồng. Sắc thắm của cau, trầu là biểu tượng cho lòng chung thủy sắt son, cho hạnh phúc lứa đôi: “Trầu xanh cau trắng chay vàng/Cơi trầu bịt bạc thiếp chàng ăn chung; Trầu này bọc khăn tơ hồng/Trầu này kết nghĩa loan phòng từ đây”.
Ở Việt Nam có một điều khá độc đáo là trầu cau không chỉ dùng như một lễ vật quan trọng trong phong tục cươi gả, mà còn là khởi đầu giúp trai gái làm quen với nhau, giao duyên với nhau, tỏ tình với nhau, vì lẽ “Trầu này trầu ái trầu ân/ Trăm cô con gái phải ăn trầu này” và đề xuất giải pháp hôn nhân gắn bó keo sơn: “Cho anh một miếng trầu vàng/ Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm”.
Và người con trai dùng miếng trầu, quả cau để khẳng định những lời chắc nịch, nhưng không phải cao ngạo, lên gân mà rất thiết tha có nghĩa, có tình, lại còn hàm ý đề cao người con gái: “Trầu không vôi ắt là trầu nhạt/ Cau không hạt ắt là cau già/ Mình không lấy ta ắt là mình thiệt/ Ta không lấy mình ta biết lấy ai”. Chàng trai tỏ bày tình cảm thật là chân thành, đằm thắm. Điều ấy nàng rất hiểu, bởi đã gọi nhau “mình” với “ta” thì tình cảm đã gắn bó lắm rồi.
Người con gái đứng trước sức cuốn hút của tình yêu cũng đáp lại không kém phần mãnh liệt, dào dạt: “Vào vườn hái quả cau xanh/ Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu/ Trầu này têm những vôi tàu/ Giữa đệm cát cánh hai đầu quế cay/ Trầu này ăn thiệt là say/ Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng/ Dù chăng nên đạo vợ chồng/ Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương”. Mời trầu, tức là mời ái mời ân, mời tình, phô tình nhưng cũng rất duyên dáng lịch sự, rất ý tình mà đậm hồn quê: “Từ ngày ăn phải miếng trầu/ Miệng thơm môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu/ Bấy lâu cau phải lòng trầu/Bỏ buôn bỏ bán, bỏ rầu chợ quê”.
Người con trai hay con gái có tình có ý với nhau thì mới nhận trầu, ăn trầu; trái tim có rung động thì mới tỏ tình, giao duyên bằng không sẽ chối từ một cách khéo léo, lịch sự: “Thưa rằng: Bác mẹ em răn/Làm thân con gái chớ ăn trầu người”. Nhưng cuối cùng mối tình trầu cau nói trên kết thúc thật đẹp: “Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng: Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?/Trầu vàng nhá với cau xanh/ Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.
Nhờ miếng trầu, múi cau mà bao chàng trai cô gái nên duyên, bao tình vợ chồng thêm sắt son nồng đượm. Thế nhưng, đôi khi gặp phải cảnh ngang trái, trầu nồng, trầu say, trầu yêu đã trở thành “trầu cay”- cái đau đớn của cau trầu chia cắt, của tình duyên không thành, lứa đôi tan vỡ: “Em đã có chồng anh tiếc lắm thay/ Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không”.
Ngoài ra, các thi nhân dân gian dùng trầu cau để nói lên quan niệm ứng xử, lối sống, những triết lý nhân sinh quan, những trải nghiệm của mình: “Yêu nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười; Thân em như miếng cau khô/ Người thanh tham mỏng người thô tham dày”…
Hiện nay đời sống xã hội có nhiều biến đổi, làng xã – cái nôi của văn hóa trầu cau đang dần bị đô thị hóa. Tục ăn trầu đang dần mai một trong đời sống hàng ngày. Từ sự biến động ấy, văn hóa trầu cau đang tự thay đổi để thích ứng với cuộc sống hiện đại và tiếp tục hiện diện trong đời sống của người Việt. Đây là biểu tượng đẹp cho nét đặc sắc, bản lĩnh độc đáo của trầu cau – một phần của văn hóa Việt Nam.
Trần Ái Vân – Khoa TT&DL

nghi lễ quan trọng
