“ CÂU CHUYỆN VỀ SEN” QUA GÓC NHÌN HOẠ SỸ

0
64

Năm 2023 tác phẩm phù điêu mộc bản “CÂU CHUYỆN VỀ SEN” trong triển lãm điêu khắc toàn quốc (10 năm một lần) đã được phòng sưu tập tác phẩm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa vào danh sách sưu tập và yêu cầu tác giả làm hồ sơ trong đó có yêu cầu viết về ý tưởng và nội dung tác phẩm này. Vốn dĩ xưa nay chỉ quen làm mà không quen nói nên thấy việc chuyển thể từ “ngôn ngữ tạo hình” sang diễn đạt bằng “con chữ” thật khó. Có lẽ phải bắt đầu từ cuộc “gặp gỡ” với sen diễn ra rất tự nhiên về sen không công thức từ bản chất, giầu tưởng tượng, phi lý một cách trữ tình để hiểu thấu bề sâu tác phẩm…

Tác phẩm :  CÂU CHUYỆN VỀ SEN
Phù điêu mộc bản (140 x 160cm)
Tác giả : Vũ Công Trí

Vẫn nhớ, bài học sáng tác thể loại phù điêu đầu tiên tôi làm chủ đề về sen. Thầy giáo bảo hình sen không phải vậy, cho em nghỉ một ngày đi thực tế lấy tư liệu… Một ngày thu se lạnh thầy dẫn sinh viên mới bước chân vào học mỹ thuật  đi thực tế lấy tư liệu về sen.

Sen cuối mùa, nụ sen đã nhỏ, lá quăn queo vặn vẹo… Thầy hướng dẫn cách quan sát, nhận xét đặc điểm của hoa, của lá còn xanh, lá tàn, cuống lá khô… rồi ghi chép hình, bố cục vẽ theo ý đồ nội dung định thể hiện…Thầy và trò cùng cắm cúi vẽ cả buổi. Trong bối cảnh được người thầy tận tuỵ chỉ bảo ấy không thể không phải lòng với sen. Bức phù điêu bài học về sen sau đó được tuyển chọn trưng bày trong triển lãm điêu khắc toàn quốc năm 1993. Từ đó tôi để tâm tìm hiểu về sen.

 Hình như mỗi hoạ sỹ Việt ít nhiều không dưới đôi lần cũng chọn hình tượng sen đưa vào tác phẩm của mình. Nhắc đến sen, tôi thấy hoan hỷ như khi được xem những tác phẩm mỹ thuật tràn ngập cảm xúc yêu thương với những điều khó nói đằng sau những hình khối, có khi là cách điệu, có khi là tả thực… Yêu quý sen tha thiết thế nhưng sau bài học phù điêu sen ngày ấy chưa bao giờ tôi có ý định sáng tác tác phẩm về sen theo một cách có hệ thống. Ký ức và ấn tượng mạnh mẽ của buổi đầu gặp gỡ về sen trong nghệ thuật vừa là niềm tin hoài tưởng da diết, vừa là một Barie vô hình ngăn trở tôi “chuyển ngữ” sen trong nghệ thuật của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học một thời gian dài tôi mới đưa hình sen vào tác phẩm nhưng cũng chỉ lờ mờ theo cái hình hài bên ngoài của sen, nhìn giống sen thôi chứ không phải thần thái của sen.

Trong tâm thức những ấp ủ mơ hồ mà một đời sen trải qua, nhu nhú lá sen đồng tiền trong mưa xuân nặng hạt, những lá này không vươn nổi lên khỏi mặt nước nhưng tạo đà cho lớp lá sau vươn dài. Hương hoa đầu mùa thì có vị tanh của bùn chưa được gột rửa, mùa hạ mưa nhiều hương lễnh loãng nhạt nhẽo, mùa thu, hoa tuy nhỏ nhưng hương đặc và kết. Đông tàn trơ cuống lá khô… “Bông cuối cùng khép lại. Ủ hương cho mùa sau”…

Rồi một ngày xem lại bản vẽ nghiên cứu bức sen cổ thời đi học theo chân các thầy bên Viện nghiên cứu Mỹ thuật đó là “Hoa Tạng Thế Giới”. Đây là một bức chạm khắc ở toà “Cửu phẩm liên hoa” chùa Bút Tháp mô tả một đoá hoa sen có hai lớp cánh ngược xuôi nở ra. Trên nhuỵ của đoá sen này là một đoá sen khác nhỏ hơn một chút cũng có hai lớp cánh được nở trồi lên trên hẳn mặt hoa văn sóng nước. Từ nhuỵ của đoá sen này là cõi Sa – bà thế giới được chia thành nhiều tầng ngang theo đồ hình thót dần về phía dưới tạo thành tất cả 20 lớp. Ở chính giữa tầng thứ tám từ trên xuống của hình đồ này có ghi hàng chữ “Sa Bà Thế Giới” phía dưới cuống hoa là hai chữ Phong Luân có nghĩa là ngọn gió làm xoay bánh xe Luân.  Đây là cõi Tịnh độ của Phật Tỳ – Nô – Giá – Na hay còn gọi là Đại Nhật chân thân của Như Lai. “Hoa Tạng Thế Giới” cũng là hình ảnh tượng trưng của thế giới Hoa Nghiêm. Trên Phong Luân có biển Hương Hải Thuỷ mọc ra đoá sen lớn, trong hoa sen lớn có nhiều thế giới, nhiều như bụi nhỏ trong không gian nên giọi là Liên Hoa Tạng Thế Giới hay muôn vàn thế giới trong hoa sen… đã gây xúc động mạnh trong tôi.

Tại sao mình không thử làm một “Câu chuyện về sen” thông qua trí tưởng tượng và “Câu chuyện về sen” được xuất hiện với một xê – ri những khoảnh khắc thiền định, yên tĩnh khiến tôi có thể dễ dàng tập chung suy tưởng qua đó xúc động đến tận đáy sâu tâm hồn, tôi cũng không biết vì sao, chẳng hiểu do đâu, đôi khi có những chuyện lạ kỳ như thế, những thứ lướt qua trong trí óc và trái tim như một tia chớp, chúng chẳng mang một ý nghĩa rõ ràng nào, lại là một thứ ám ảnh nhất.…

Về bố cục tác phẩm Câu chuyện về sen được bố cục trên 5 mảng gỗ thừng mực tự nhiên to nhỏ khác nhau, tách bạch riêng biệt, không chính không phụ. Mỗi mảng gỗ là một mô – đun nhỏ và trong mỗi mô – đun nhỏ này là một bố cục độc lập hoàn chỉnh như một tác phẩm. Bố cục tạo hình dựa trên hình khối vặn vẹo của thân gỗ tự nhiên với những ưu nhược “chiều ngang bất túc, chiều dài hữu dư” ( chiều ngang hẹp còn chiều dài thì có thừa), nên cũng tạo được nhiều điều bất ngờ khi không sắp xếp được các nhân vật theo đúng tỷ lệ người, hình tượng sen theo lẽ thông thường. Với lối bố cục này có thể để thành từng Mô – đun độc lập là một tác phẩm hoàn chỉnh hoặc ghép 2, 3, 4, 5, …n … Mô – đun nhỏ để tạo thành một Mô – đun lớn, một tác phẩm to hơn mà bố cục vẫn hoàn chỉnh. Đây là một dạng bố cục kiểu to mà nhỏ và nhỏ mà to, rộng lớn mà người sáng tạo không bị bó hẹp nên thoả sức sáng tạo…

Nội dung Câu chuyện về sen, cũng như trong tâm thức của người Việt từ lâu sen đã là một biểu tượng mang rất nhiều ý nghĩa trong đời sống vật chất cũng như tinh thần nên tôi cũng muốn kể những Câu chuyện về sen  qua góc nhìn của mình.Ở đây, hình tượng sen và các nhân vật mang một phong cách dân gian mà bỏ qua những quy chuẩn cơ bản, mực thước về loại hình phù điêu trong điêu khắc như hình, mảng, khối, đường nét, cấu trúc, tỷ lệ người, không gian xa gần. Đó là sự kết hợp của nhiều loại hình mỹ thuật điêu khắc, hội hoạ, đồ hoạ, cố gắng không lệ thuộc vào ngôn ngữ của một loại hình mỹ thuật là phù điêu trong điêu khắc, hay đồ hoạ trong thể hiện mà muốn đó là sự kết hợp của các ngôn ngữ tạo hình phù hợp với các Mô – đun bố cục ở trên để đạt hiệu quả thị giác trong nghệ thuật tạo hình bằng ngôn ngữ của riêng  để kể những Câu chuyện về sen theo cách của mình.

Điều cốt yếu là muốn chúng cùng đồng hiện trong một tác phẩm, người xem chỉ cần nhận ra đây là những nhóm người như đangkể” những câu chuyện, người và sen hoà quyện, đơn giản là không thấy gì khác giữa một người, ty tỷ người với một cánh sen, một bông sen hay ty tỷ bông sen. Mọi thứ nguời và sen đều có hai nửa khác nhau. Khắc khoải, đấu tranh để tồn tại trên cái thế giới này lại cực nhọc đến thế. Sen và người luôn luôn khao khát một cách sống vui vầy giữa mọi giống loài. Trong môi trường bùn khắc nghiệt như thế sen vẫn đâm trồi nảy hoa sum xuê cùng những loài lưỡng cư không định loại. Chẳng hạn như chi tiết con cá nòng nọc là nửa động vật, nửa thực vật, nửa trên cạn, nửa dưới nước.

Con người cũng vậy, mọi thức đều chứa đựng lẫn nhau, quyện vào nhau đấu tranh tồn tại, khắc khoải, đớn đau cực nhọc, bản năng và sơ khai, trơ trọi như đang giữa chốn hồng hoang nguyên thuỷ. Chúng giống như một cơn gió, một tiếng cười, đủ khơi gợi và gây phấn khích, đủ nhẹ nhàng và lan toả, những ám ảnh của sự tiếp xúc với nội giới mà hình ảnh tạo ra trong mỗi con người… và hình như tôi thấy Con Người có mặt ở trong ấy, Con Người làm gì ở đây giữa thế giới không hề tồn tại trong cuộc sống thực của mình? Giữa lạ và quen một ánh mắt, giữa nhung nhớ và lãng quên một bóng hình… Một lúc nào đó, khi tiếng nói của vô thức về sen bật gốc khỏi bùn, sen và người sẽ thức dậy ra khỏi giấc mơ yên tĩnh nghèo nàn. Thế giới về sen hỗn độn và linh thiêng hơn thế, đủ để cho mỗi chúng ta tìm đến những trải nghiệm khác nhau…

Nghệ thuật cần sự lãng quên, quá trình sáng tạo cần là cuộc phiêu lưu, đó là sự phiêu lưu của sắc mầu, đường nét, hình khối. suy cho cùng, cũng là sự phiêu lưu của người nghệ sỹ. Yếu tố bất ngờ làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật, phải mới mẻ, lôi cuốn, gây ngạc nhiên… Nhưng hà cớ gì phải băn khoăn về hình loại, điều cốt yếu trong nghệ thuật là thể hiện được những gì mình định thể hiện và tự thể hiện bản thân đối với mỗi hoạ sỹ mới là điều quan trọng.  

Tác phẩm : AO SEN
Phù điêu đồng gò (60 x100cm)
Tác giả : Vũ Công Trí

Khi kể những câu chuyện về sen tôi hiểu rằng nghệ thuật không phải là một trò chơi như trước đây vẫn lầm tưởng. Hoặc giả nếu có thể coi như trò chơi thì đó là một cái gì giống như trò ú tim vậy. Nó thoắt ẩn thoắt hiện và nó đặt ra nhiều câu hỏi mà toàn những câu hỏi hóc búa đánh đố người hoạ sỹ nhìn bằng con mắt của tâm trí trong tác phẩm thể hiện không phải cái hiển lộ trước mắt, mà cái đang phát triển diễn ra, không phải hiện tại mà cái mai sau, thấy ra những giới hạn của cái nhìn thấy được, Mọi thứ đều được chứa trong mọi thứ, mọi thứ đều phần nào che khuất mọi thứ. Tương tự như vậy, mọi thứ đều có thể thấy được thông qua mọi thứ, và tất nhiên là phải kiếm tìm bản sắc riêng của mình …

 Con người sai lầm khi tưởng rằng thế giới thật rõ ràng, hoặc là cái nhìn về nó thật không cần bàn cãi. Giống như chúng ta tin rằng mặt trời thực sự mầu đỏ. Chúng ta không biết rằng những gì chúng ta thấy chỉ là những trải nghiệm. Phần còn lại của thế giới là những trải nghiệm khác mà ta chưa và có thể sẽ không bao giờ biết đến khi nhận ra rằng cái thực có thể khiến ta mắc lừa và che khuất sự thật. những điều đó như là một cái gì giống như sự loé sáng, một sát-na đốn ngộ làm thay đổi cách nhìn và dẫn đến khởi đầu một “câu chuyện” mới…

Vũ Công Trí

        MỘT SỐ TÁC PHẨM VỀ SEN

Tác phẩm: Buổi Sớm
Chất liệu: Đồng gò ( 60 x100 cm)
Tác giả: Vũ Công Trí
Tác phẩm: Mưa bong bóng
Chất liệu: Đồng gò ( 60 x120cm)
T/g: Vũ Công Trí
Tác phẩm : Đêm sen
Chất liệu: Đồng gò ( 70 x100cm)
T/g: Vũ Công Trí
Tác Phẩm: Thuyền sen
Chất liệu: Đồng gò (60 x100cm)
T/g : Vũ Công Trí

Trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here