XEM TÁC PHẨM MỸ THUẬT

0
80

Trả lời ý kiến bạn đọc tạp chí Sông Thương về bài viết “SEM” tranh đám cưới chuột.

…Một tác phẩm có chỗ phản ánh không đúng sự thật có xứng đáng đạt giải xuất sắc của Tạp chí Sông Thương không?

Đó là tác phẩm “SEM” tranh đám cưới chuột.

  1. Tác giả bài viết đó giải thích về mầu dân tộc của tranh Đông Hồ là xanh lá (mộc), đỏ (hoả), vàng (thổ), đen (thuỷ), trắng (kim). Cách giải thích này không đúng với thực tế. Hơn nữa việc dùng thuyết ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) của Trung Hoa để khoác cho tranh Đông Hồ màu dân tộc thì có ổn không?
  2. Theo các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ cho biết mầu sắc của tranh Đông Hồ được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên, màu xanh được chế biến từ lá cây chàm, màu đỏ được chế biến từ sỏi son, màu vàng được chế biến từ hoa hoè, màu đen được chế biến từ than tre, than rơm, than cói chiếu và màu trắng được chế biến từ vỏ sò nghiền nhỏ ( gọi là màu điệp). Thi sỹ Hoàng Cầm đã thăng hoa màu sắc của tranh Đông Hồ thành cái đẹp bất tử trong câu thơ “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
  3. Sách tiếng việt lớp 5 trong bài Tranh làng Hồ trang 88,89 cũng nói khá rõ về màu sắc dân tộc trong tranh làng Hồ”…

Thạc sỹ văn học…

  1. Từ cách xem tranh dân gian

“ SEM” tranh Đám cưới chuột. “SEM” tác giả để trong ngoặc kép người viết coi nó như là “chìa khoá” để cùng người đọc tiếp cận mở vào bức tranh dân gian rất nổi tiếng này. “SEM” ở đây là từ viết tắt của Search Engine Maketing – nghĩa là tiếp thị và tối ưu hoá qua các công cụ tìm kiếm, nó đồng âm nhưng khác nghĩa hoàn toàn với “xem” thông tục… Tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Đông Hồ nói riêng, cùng là nghệ nhân tranh dân gian nhưng nghệ nhân sáng tác là bậc thầy của nghệ nhân cắt ván in (ngày nay gọi là khắc ván). Xưa người nghệ nhân sáng tác thường là Nhà Nho, là người có học, am hiểu văn hoá, lịch sử, xã hội, có tài quan sát, có khiếu thẩm mỹ… chính vì thế mà tranh dân gian có nội dung rất phong phú, ngoài yếu tố hình còn kèm theo các chữ Hán, chữ nôm theo kiểu “Thư hoạ đồng nguyên” cùng xuất hiện trong một bức tranh. Điều đặc biệt là trong các tranh lợn đàn, lợn độc, lợn ăn lá dáy và cả con lợn trong thổ công, Táo quân, con trâu… mỗi con vật đều có hai cái khoáy cách điệu của biểu tượng Âm Dương. Từ xa xưa, qua trải nghiệm cuộc sống người phương Đông đúc rút ra triết lý Âm Dương, Ngũ Hành… Vậy nghệ nhân là những Nhà Nho hiểu về Dịch lý, mang tư tưởng của Nho giáo Trung hoa khi sáng tác ra mẫu những tranh dân gian lại không ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa sao?..

“Mầu dân tộc” trong tranh dân gian Đông Hồ không được dùng thuyết ngũ hành của Trung Hoa để tìm hiểu là không đúng. Phải “Nguyên tính dân tộc” thì xin thưa: “Màu dân tộc” không có trong bảng mầu tranh dân gian Đông Hồ dưới góc nhìn đặc điểm tâm sinh lý thị giác thông thường. Bởi vì, trong bảng mầu – nguyên vật liệu để in ra một tờ tranh chỉ có các mầu xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, trắng, đen, lý, lam, tràm, tím…và những mầu này được chế biến từ các mầu có gốc trong tự nhiên như xanh từ lá cây tràm ( không phải chàm), đỏ từ sỏi son, đất sét đỏ, cây vông vang, vàng từ hoa hoè, quả chi tử (dành dành), đen từ than lá tre (không phải từ than tre), than rơm, than cói chiếu (được đốt dưới sự giám sát của người có kinh nghiệm, nếu để quá than sẽ thành tro mất độ đen), mầu trắng được chế từ vỏ sò, bột xương động vật, bột ngà voi (bột sò không thể gọi là mầu điệp), mầu trắng điệp được chế từ vỏ con điệp – một loài nhuyễn thể vỏ mỏng trắng ánh bạc lấp lánh… không thấy có “mầu dân tộc” là mầu gì.

Dưới góc nhìn đặc điểm tâm sinh lý thị giác thì bảng mầu tranh dân gian Việt Nam và tranh dân gian Đông Hồ đều không có “mầu dân tộc”. Do đó tôi dám khẳng định “mầu dân tộc” ở đây chỉ bắt đầu xuất hiện cùng với bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm mà thôi. Mầu dân tộc ở đây là một mầu “bịa” không có trong bảng mầu thị giác, cũng như lá diêu bông xuất hiện thì khá nhiều độc giả nhất định tin rằng có một loài cây gọi là “diêu bông thật” trong tự nhiên, có một “mầu dân tộc thật” trong tranh dân gian Đông Hồ. Hoàng Cầm đã để bao người mất công đuổi theo một cái bóng bởi loài cây bí ẩn kia, mầu sắc bí ẩn kia chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà thơ mà thôi. Do đâu mà nảy sinh ra cái “mầu dân tộc” phi tính chất, sắc thái thị giác, chẳng ai nhìn thấy nhưng ai cũng hình như cảm thấy là đã nhìn thấy chúng trong tranh dân gian Đông Hồ. Hoàng Cầm đã sáng tạo ra một mầu khái quát tinh thần không có trong bảng mầu thị giác để cho nhiều người đi tìm nó dẫu biết rằng chẳng bao giờ thấy được…

Nếu nhất thiết cứ khẳng định tranh dân gian Đông Hồ, cụ thể là tranh Đám cưới chuộtphải mang tính dân tộc thuần Việt, không được áp thuyết Âm dương Ngũ hành của Trung Hoa vào nghiên cứu tìm hiểu thì có bảo thủ quá không?

Đừng bảo thủ tính dân tộc theo kiểu “khoanh” tính dân tộc lại trong cái vòng tròn nhỏ hẹp như nhái lại những làn điệu dân ca quan họ, hát ví, hát dặm, hát ống, bài chòi… mỹ thuật thì phải hoạ tiết hoa văn trống đồng Đông Sơn, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, chạm khắc đình, chùa làng… mới là dân tộc, thuần Việt?  Văn hoá dân tộc phải bảo tồn nhưng không thể chỉ dừng lại đó. Ở thời đại chúng ta đang sống, trong thế giới gần như phẳng lại, quá trình tương tác văn hoá ngày càng gia tăng, sự vay mượn thẩm thấu lẫn nhau giữa các nền văn hoá ngày càng phổ biến. Sự bảo thủ “dân tộc” thuần tuý là “không thể”.          Việt Nam với nghìn năm Bắc thuộc, rồi nhà nước phong kiến được xây dựng theo kiểu mẫu Trung Hoa, cả nghìn năm dùng Nho giáo để cai trị đất nước, vậy tranh dân gian Đông Hồ đến thế kỷ 17, 18 phát triển thịnh vượng làm sao mà không ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa? Văn hoá nối tiếp nhau trong lịch sử không tồn tại một văn hoá thuần Việt. Văn hoá Việt Nam đã hội nhập nhiều chiều, Trung Hoa, Ấn Độ, Chăm – pa, Pháp, Mỹ, Nga, … tại sao cứ phải mất công cố sống cố chết chứng minh “mầu dân tộc” này nọ trong tranh dân gian Đông Hồ phải là thuần tuý bản địa, không mảy may chịu ảnh hưởng của bất kỳ nền văn hoá nào khác.  Tôi thấy văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hoá lớn như văn hoá Trung Hoa là lẽ đương nhiên và bình thường, cũng như thực tế không dưới 90% thuật ngữ hiện nay dùng trong các bộ môn khoa học xã hội là từ Hán -Việt.

“Mầu dân tộc”  phải vượt lên cái dân tộc hẹp hòi để các dân tộc khác có thể thụ cảm được. Đừng cố tỏ ra, làm ra vẻ dân tộc, đừng mãi dân tộc theo cái lối sao chép thô thiển. “Mầu dân tộc” là ở cái hồn, cốt bên trong chứ đâu phải cái vỏ bề ngoài. Khi người sáng tạo ra mẫu tranh, người khắc ván in tranh, người pha chế mầu sắc, và người in tranh cho đến người chơi tranh dân gian Đông Hồ thì “Mầu dân tộc” đã ở trong máu, trong tim, trong mạch nguồn cuộc sống rồi.

       Tác phẩm: Lưỡng cư (tượng gốm)      Tác phẩm: Tường Vân (Acrylic)

Tác giả: Vũ Công Trí                          Tác giả: Vũ Công Trí

  1. Đến học cách xem các tác phẩm mỹ thuật hiện đại.

Tôi là người được học hành bài bản từ sơ, trung, đại học ở một trường mỹ thuật có tuổi đời đến năm 2025 là tròn 100 năm đào tạo mỹ thuật, cũng tự nhận là có chút kiến thức cơ bản, có chút dấu ấn trong nghề, cũng có thất bại, cũng có chút thành công, cũng rút ra được chút phương pháp nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống đến hiện đại. Bản thân hiểu rằng tác phẩm mỹ thuật nào cũng đi từ cái thực, cuộc đời thực, mầu sắc thực không có chuyện bịa, nhưng như vậy không có nghĩa là sao chép lại cuộc sống mà những hình ảnh mầu sắc đó chỉ là mượn để gửi gắm cảm xúc, suy nghĩ, triết lý nhân sinh của mình trước cuộc sống xã hội. Nó là phương tiện chuyển tải cho nhân sinh quan nghệ thuật của mình.

Gần đây tôi có dự thẩm định tài liệu sách tài liệu giáo dục địa phương lớp 9 trong đó có phần mỹ thuật. Người biên soạn là giáo viên dạy mỹ thuật trong trường phổ thông với vốn kiến thức lỗ mỗ về mỹ thuật, nên soạn ra một giáo trình “đầu Ngô, mình Sở” về cách tiếp cận, thưởng ngoạn các tác phẩm mỹ thuật. Cái chết dở là tài liệu mỹ thuật này sẽ được dạy trong trường phổ thông nên chắc chắn người học không bao giờ tiếp cận đúng được tác phẩm mỹ thuật, nói gì đến có kiến thức mà thưởng ngoạn. Tôi dám chắc là  96,69% mọi người không thể tiếp cận và xem được tác phẩm mỹ thuật trước những bức tranh vẽ nguệch ngoạc của Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái… cho đến các hoạ sỹ trên thế giới như:  Picasso, Vangogh, Matitxơ, Klim…

Thành thật mà nói xem tranh đúng là một khó khăn đối với đại đa số người Việt. Nguyên nhân cũng rất rõ ràng, vì đa số không được học cách xem tranh. Vẽ được một bức tranh phải học, nhưng để xem được một bức tranh cũng cần phải học. Nói về giáo dục nghệ thuật thì phải nói là con em nước Việt thiệt thòi nhiều, nhất là thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời gian khó.

Nhiều bạn bè cứ hỏi tôi, nhờ tôi giải thích xem cái tranh này nó nói về cái gì, nó đẹp ở chỗ nào mà sao đắt thế… tôi chỉ biết cười trừ, không phải kênh, chảnh mà vì làm sao mà một câu giải thích cho hết được. Bởi nó là tổng thể của một khối kiến thức khổng lồ về phong cách, trường phái, thời kỳ, bút pháp, kỹ thuật, bố cục, đường nét, mầu sắc, chất cảm, cảm xúc…đó là điều không thể nào ngay lập tức giải thích với bạn bè được. Qua học hành tôi mới hiểu thế nào là tạo hình, là Mô-đéc, cái đẹp của Lập thể là như thế nào, cái đẹp của Siêu thực như thế nào, Ấn tượng, Hậu Ấn tượng ra sao… mỹ thuật ngoài các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ… nó còn có giá trị sáng tạo. Một bức tranh Lập thể của Picasso sở dĩ được đánh giá cao bởi vì ngoài giá trị thẩm mỹ nó còn đánh dấu sự thay đổi quan niệm nghệ thuật của cả một thời kỳ, đưa nghệ thuật thoát khỏi những nguyên tắc cứng nhắc của Cổ điển để sáng tạo ra một trường phái mới, một thời kỳ mới. Giá trị tranh đắt không phải chỉ vì nó đẹp, mà còn vì làm thay đổi cả một nhận thức, thay đổi tư duy, thay đổi lịch sử nghệ thuật… đó là điều không thể nào ngay lập tức giải thích với bạn bè được.

Học tạo nên trình độ. Trình độ nào thị hiếu ấy. Sự thực là không có thứ nghệ thuật nào cào bằng cho tất cả. Nghệ thuật về bản chất là một thứ phân chia đẳng cấp có cao, có thấp, có hàn lâm, có thương mại… Thấp dành cho số đông, cao dành cho số ít. Muốn xem và thưởng thức được nghệ thuật cần phải chịu khó học. Học như tôi nói ở đây không có nghĩa là phải đến trường, mặc dù mái trường nếu giáo khoa tốt, thầy cô dạy có kiến thức thì cũng cung cấp được những kiến thức ban đầu có tính nguyên lý quan trọng. Học như tôi nói là đọc sách, nghe bạn bè hiểu về nghệ thuật trò chuyện, mà quan trọng nhất là tìm hiểu và hỏi, Không biết thì hỏi, hỏi sẽ dần dần biết đến nơi đến chốn…bổ sung cho nhau và kiến thức sẽ  đầy dần theo thời gian…

Để kết thúc bài viết hãy cùng đọc một đoạn viết trên facebook của Hoai Duc Nguyen để biết thêm cái bi kịch của sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ nghệ thuật nó thành vách ngăn nhận thức, làm cho kẻ giàu có tiền tài, ra vẻ ta đây gì thì cuối cùng cũng thành anh hề trong hưởng thụ nghệ thuật :

Ở hàng caffe anh café nâu đeo dây chuyền to nói với anh đen đá đang thêm đường: Hôm trước doanh số đạt, hãng bia mời tao đi Sing. Ngày chơi ngắm cảnh Quốc đảo, tối về họ cho đi xem Phiên chợ Ba tư.

 Chợ đêm à?

 Không, ca nhạc chứ. Bẩy giờ đã cơm nước quần áo chỉnh tề lên đường rồi vào xem thấy trên sân khấu cả một ban nhạc hoành tráng lắm có 32 người mặc comple và 18 váy.

Nhạc nổi lên, con bé cùng đoàn bảo: Lạc đà đang đến chợ. Mẹ kiếp, toét cả mắt không thấy lạc đà đâu. Nhạc vẫn cứ rền lên. Chẳng có con lạc đà nào cả.

Lại nghe tiếng con bé bên cạnh: Những kẻ hành khất đang cầu xin bố thí.

Giời ạ, con này điên rồi. vẫn chỉ có 18 váy và 32 comple trên sân khấu chứ có đíu ai đâu mà phiên dịch láo thế là cùng. Con này chắc mắc bệnh hoang tưởng. Mình tựa vai vào ghế lim dim, lim dim rồi đánh một giấc.

Công chúa xinh đẹp đang đến chợ. Mình tỉnh cả ngủ, bật dậy.

Công chúa đâu. Vẫn 50 mống đang đánh đàn. Lần này thì không thể chịu nổi. Mình lao ra khỏi rạp. Nhạc vẫn dậm dật trên sân khấu. Hàng trăm người vẫn dán mắt lên xem công chúa mà làm gì có ai. Sao coi thường khán giả du lịch thế nhỉ, cái bọn Sing này nhá, chúng mày liệu thần hồn, ông thề sẽ không bao giờ xem món lừa đảo này nữa…

Anh café nâu kể xong, anh đen đá gật gù: Ờ, đúng là bọn lừa đảo quá. Thuê 50 đứa chơi nhạc mà không thuê nổi một đứa lên hát. Đúng là pó tay luôn. Sing ơi là Sing…

Nếu không học, không có hiểu biết, bảo thủ chỉ hưởng thụ nghệ thuật theo bản năng thì bi kịch nó sẽ là vậy.

Vũ Công Trí – Khoa Nghệ thuật

Tác phẩm: TẮM SEN (Đồng gò)

Tác giả: Vũ Công Trí

Tác phẩm: Bài ca về rừng (Phù điêu gỗ sơn mài)

Tác giả: Vũ Công Trí

 

 

 

Trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here