DẠO CHƠI TRONG VƯỜN NHIỆT ĐỚI

0
70

LTS: Tác phẩm điêu khắc gỗ Vườn Nhiệt Đới của họa sĩ Vũ Công Trí (hiện đang công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang), đạt Giải Ba Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giải Nhất trong Triển lãm Mỹ thuật 15 tỉnh khu vực III  Tây Bắc – Việt Bắc năm 2023 là niềm vui lớn của Mỹ thuật Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên Mỹ thuật Bắc Giang có giải Nhất ở khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc. Trong niềm vui thành công khởi sắc của Mỹ thuật Bắc Giang nói chung, cá nhân họa sĩ đạt giải thưởng nói riêng, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin gửi tới quý vị độc giả lời tự sự của họa sĩ Vũ Công Trí về tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng năm 2023 trước thềm xuân mới. 

Tôi được sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều có liên quan tới mỹ thuật. Nhưng từ nhỏ đến lớn những món quà mà bố, mẹ tặng cho các con luôn chỉ là sách. Chẳng có gì khác ngoài sách và qua sách vở với muôn vàn khó khăn tôi đã tự mày mò để hiểu và không hiểu bằng cách thức đặc thù của mình về thẩm mỹ tự nhiên trong những hoàn cảnh nhất định. Có thể chênh chao, mất cân xứng, có thể chót vót hay tận đáy cùng, có thể phi lý và bất khả giải thích nhưng bằng logic nào đó của thẩm mỹ, nó lại vẫn là một điều khiến tôi rung động trước thiên nhiên..

“Ma đưa lối, quỷ dẫn đường” từ khi vào học mỹ thuật đến khi ra trường tính cả ôn thi, học sơ, trung, rồi đại học chòm chèm 12 năm tuổi trẻ vậy mà chẳng hiểu mô tê gì nhiều về nghệ thuật tạo hình, chỉ với mớ kiến thức hỗn độn, lộn xộn không làm gì được… Nhớ tuổi đôi mươi có lần trốn học bắt tàu hỏa vào Huế chơi, ngồi bên bờ hồ Tịnh Tâm gặp mấy người quê gốc Hà Nội học trường nghệ thuật Huế sắp ra trường dẫn tôi đi lông bông, lang bang và một anh nói về một khu vườn trong một ngôi chùa cổ nơi anh đang ở và sẽ sáng tạo thành Vườn tịnh tâm… Phật giáo đã kết nối chúng tôi…Về Hà Nội đang làm bài, anh ào đến trên con xe máy nổ to đùng đưa tôi về nhà anh, một ngôi biệt thự có từ thời Pháp. Phòng làm việc của anh vô vàn những sách về Phật giáo. Ngổn ngang những: Đường xưa mây trắng, Chúng ta thoát thai từ đâu, Muôn kiếp nhân sinh, Mandala luận giải, Thiền Tông, Mật tông Tây Tạng… lần đầu tiên tôi được thấy. Có lần chúng tôi nói chuyện trong khu vườn của một người bạn có pho tượng Phật A-Di-Đà cao hơn 5m với nét mặt rất đời như một thiếu phụ, anh lý giải ảnh hưởng của Đạo Mẫu trong tạo hình Phật giáo. Đức Thích ca là Thái tử, là vua nhưng Phật giáo vào Việt Nam đã được người Việt đồng hóa với Đạo Mẫu tạo tác mang nét nữ tính như người mẹ…Thoáng chốc hơn một phần tư thế kỷ chúng tôi mất liên lạc. Một ngày tôi nhận được tin nhắn của anh, nói rất nhiều về tác phẩm điêu khắc Vườn nhiệt đới anh gặp trên Facebook,  anh thấy chúng gợi nhớ trong đó mang những nét của khu Vườn tịnh tâm mà anh muốn làm trong ngôi chùa ở Huế mà anh không làm được… Hơn một một phần tư thế kỷ không gặp và mãi không gặp vì anh đã theo mây trắng gió thổi bay đi…“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng. Nguời vẫn đi như nước chảy xa nguồn. Bến bờ lạ chút tự tình với bóng. Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm…” Vậy là tôi gọi nó là Vườn nhiệt đới hay Vườn tịnh tâm đây?

Tác phẩm điêu khắc Vườn nhiệt đới của họa sĩ Vũ Công Trí

Trong khu Vườn nhiệt đới tôi muốn phá bỏ những quan niệm về những đặc thù chuyên ngành mỹ thuật, những đặc trưng của hình khối điêu khắc, những tạo hình bố cục mầu sắc đường nét của hội họa, mảng hình đậm nhạt nét thô nét tinh của đồ họa, hay thậm chí của chạm khắc kênh bong tách tỉa lộng của đồ thủ công mỹ nghệ… Nó như cuộc chơi con trẻ sau khi mất công phân chia các loại hình đâu ra đấy rồi lại cho tất cả vào một rổ và xóc đều lên để tạo ra một thứ tạp pí lù mới… Ranh giới các loại hình nghệ thuật trong mỹ thuật được xóa nhòa, như Tịnh tâm thì cũng chẳng còn Đại Thừa hay Tiểu Thừa, Thiền Tông hay Mật Tông. Những như hơn 5 nghìn Pháp của Phật giáo thì cũng là vòng tròn trắng trơn viên mãn… Ở đây, Tôi đi tìm tôi, tìm tôi nhưng vốn dĩ không phải tôi nên có tìm thì cũng không thấy. Tôi là ai? Khó trả lời và không thể trả lời trong thế giới “hỗn mang” này. Vậy nên, Vườn nhiệt đới chỉ là một mớ hỗn độn “Có thể” và “Không thể”?  Là hành trình dài, thật dài không đầu không cuối như ” Năm mới cũ rồi chờ năm mới”…

Tôi dạo chơi trong Vườn nhiệt đới như thấy những loài cây kỳ lạ, cả đời dằng dặc mấy mươi năm chỉ nở duy nhất một lần hoa như loài tre, mía; có loài chim chẳng bao giờ cất tiếng hót như trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCullough…Kỳ đà hay Tắc kè trong “Trăm năm cô đơn”của Gabriel Gảcia Marquez… và sau lần rực rỡ duy nhất của sự bùng nổ ấy cây tàn lụi, sự sống kết thúc như thể nó chỉ chờ có vậy để chết, chờ cả mấy mươi năm. Cứ như thể chưa từng tồn tại, cứ như thể chẳng có bí mật nào của riêng, cứ như thể sự vô thủy vô chung của vũ trụ chỉ là một giấc mơ quá dài. Những khát khao hóa thạch, những ý nghĩ thành rong rêu..

Tôi đã đi tìm đường đi kiếp sống của một con sâu trong đời sống của nó ở trong tác phẩm điêu khắc là Sâu bướm, Đông trùng hạ thảo, chúng “Độc lập” và “Kiêu hãnh” hơn chúng ta tưởng. Hơn một sự nhòe mờ tan vào phía mênh mông thoát kiếp sâu hóa bướm, nhưng trước mắt chúng vẫn là những con sâu ngốn ngấu những lá non trên cành và tự làm mới mình bằng những sắc thái khác nhau để chịu đau, cắn kén, lặng thầm, hoặc không bao giờ, thoát kiếp sâu để hóa bướm bay lượn trên bầu trời trong khu Vườn nhiệt đới :

Những con sâu đục thân

Những con sâu thân mang sắc lá

 Lẩn vào đêm

 Ung dung trên cành

Ngốn ngấu

 No rồi

 Đẫm sương đêm

 Giấc ngủ tràn mi

 Mơ kiếp bướm

 Sớm mùa đông

 Có tiếng lích tích trong vòm lá

 Con chim sâu bắt con sâu bé xíu

 No rồi

Véo von chào bình minh.

          Tôi đã đi tìm những con rắn, rết, ốc sên có vỏ và không vỏ, kỳ đà, tắc kè đang bấu víu, bám trườn, đang sống. Sự sống của những sinh vật đang hau háu và nhơm nhớp ký sinh. Những bí mật của thiên nhiên về sự thể hiện của một giấc mơ được truyền cảm hứng từ thực tế ấn tượng trong nghệ thuật. Đó là “tia chớp” là “cú sốc” với phản ứng ban đầu, những Satna  đốn ngộ, là trải nghiệm một cái gì đó như thể lần đầu …

Tôi đã đi tìm những chiếc lá, mầu của hoa, loại hoa không tên. Chúng chẳng phải là “kỳ hoa dị thảo”. Chúng mang sắc đỏ ngàu, uốn lượn với những niềm vui hoan hỷ và vỡ trắng, hoặc đỏ chót nhưng lam lũ, tím ngắt buồn bã, xanh biếc hy vọng, chờ đợi và khao khác rừng rực màu ráng chiều. Và tôi thích ngắm “Đêm”, với những “Đêm nhiệt đới” khi tôi không còn thực sự tin màn đêm thẫm ấy là bóng tối nữa. Sự im ắng, bình thản rất đỗi bản nguyên, nhẫn nại và bao dung.“Này bi kịch nhân văn. Này con mắt khép mở… Tiếng như tơ gió lùa cửa vắng…”

Tôi đi tìm bước chân trần trên đất ẩm, nhìn ngắm những đốm lân tinh óng ánh li ti từ lá mục, cảm nhận sự chờn rợn dưới gan bàn chân. Đó là cách tuyệt vời nhất được thấy mình là một phần của tự nhiên bao la khao khát và sự lấp đầy. Biết bao nỗ lực và sự phũ phàng đáp trả, biết bao điều vô nghĩa và phi lý “Đêm xanh xanh vắt vẻo xanh xanh…” và Tôi cũng đã đi tìm tôi để thấy bớt chơi vơi trong cuộc đời đầy vô định và phù phiếm, để tìm một nguồn an ủi vỗ về khi mệt mỏi, để tự trấn an sau những cơn bão lòng, nhìn sâu vào nỗi buồn trong mình hiểu nó với một lòng bao dung và cởi mở hơn với cuộc đời… Rồi chợt nhớ căn nhà nhỏ của bố mẹ tôi nơi mỗi sáng khi tôi còn lờ mờ nằm giữa mơ và tỉnh đã nghe tiếng bố súc ấm pha trà và lẩm nhẩm những câu thơ mới viết, mẹ tôi lạch cạch rang cơm cho các con ăn trước khi đi học. Những buổi sáng mùa đông, gió rét thổi bên ngoài khiến cho tấm bao tải che cửa sổ phát ra tiếng kêu lùng phùng “Ném tuổi thơ qua ô của sổ. Vút tận trời xanh”… tiếng gà gáy ngay hiên cửa chắc đêm bố sợ trộm nên mang lồng gà vào, tôi nhớ cái giếng thơi bốc khói khi trời lạnh giá, lối đi đầy cỏ mần chầu um tùm thỉnh thoảng có con cóc trốn rét trong đó, con chó Tô mừng như điên khùng mỗi khi người nhà đi về… Tôi nằm ngửa ngắm mây trời mùa đông xám xịt và mơ mộng… Hóa ra mơ mộng thì dài, mà đời người thì ngắn…

Trong Vườn nhiệt đới hay Vườn tịnh tâm chúng được hình thành với chín phân đoạn hình khối, dài ngắn khác nhau trong tư duy của tôi bởi các thuộc tính, các quan hệ khác của sự vật, trái với cụ thể, không mô phỏng… Có thể khó hiểu, khó hình dung, vì không có gì cụ thể, tôi đã kéo những hình hài, sự vật ra khỏi vùng khuyết danh, cho chúng hiện hữu. Chúng đấy – những mẩu củi có hình có khối, có mầu sắc, đường nét … chưa ai nhìn thấy bao giờ đang hiện hữu. Tôi cũng chưa nhìn thấy bao giờ. Chúng tồn tại trong vùng khuyết danh như một ý niệm, ý tưởng, không phải là một đối tượng vật chất, nó là một năng lực bao gồm các yếu tố, các bối cảnh để phân tích nó, và đưa ra một khái niệm về nó, chỉ tồn tại trong tâm trí, cảm giác “thấy” của tôi. Nó là thực thể mà giác quan của con người không thể tiếp cận được. Nói cách khác chúng” không có biểu hiện vật chất nào mà chỉ đơn thuần là sự khái quát hóa các ý tưởng. Vườn nhiệt đới là một cuộc phiêu lưu vào một thế giới vô định.

Cuộc dạo chơi nào rồi cũng kết thúc. Định nghĩa về một thứ nghệ thuật đậm tính chất trò chơi, có sự mong manh phù du và bất biến vĩnh cửu giằng níu nhau trong một cuộc chơi gần như không có kết thúc…Viết đến đây tôi nhớ đến một câu danh ngôn bất hủ phi thời gian viết về nghệ thuật của triết gia vĩ đại Aristotle: “Mục đích của nghệ thuật không phải là miêu tả diện mạo bên ngoài của sự vật, mà là ý nghĩa bên trong của chúng”…và tôi lại lẩm nhẩm những câu: “Vườn uy nghi và nét xuân kỳ diệu. Hình dáng xuân con mắt tháng Tư…”

Vũ Công Trí

Trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here