MỸ THUẬT BẮC GIANG QUA CÁC THỜI KỲ

0
395

Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023), có thể nhận thấy: “Đề cương văn hóa Việt Nam là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về chiến lược xây dựng và phát triển văn  hóa Việt Nam, tập hợp đội ngũ trí thức văn hóa, văn nghệ trong mặt trận dân tộc thống nhất, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, chấn hưng nền văn hóa mới của dân tộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động”. Hòa chung dòng chảy của văn hóa Việt Nam, mỹ thuật Bắc Giang đã có những bước phát triển vượt bậc qua các thời kỳ.

Sau khi “Đề cương văn hoá Việt Nam” ra đời năm 1943, hoạt động mỹ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Bắc Giang nói riêng có những chuyển biến tích cực, Mặc dù đời sống của đa số họa sỹ còn khó khăn nhưng với lòng say mê, tâm huyết sáng tạo đã có nhiều tác phẩm đáng trân trọng. Nhiều tác phẩm mỹ thuật trong các cuộc triển lãm lớn từ trung ương đến địa phương đã thu hút được đông đảo người xem. Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của họa sỹ được bảo đảm và cải thiện. Tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy. Mỹ thuật tiếp tục được kế thừa phát huy các giá trị bền vững của dân tộc hun đúc, chắt lọc qua nghìn năm lịch sử tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền và tinh hoa văn hóa nhân loại.

Lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến hoạt động văn hóa và nghệ thuật. Bác thường nói chuyện nhiều lần và gửi thư cho giới văn nghệ sỹ, có một bức thư duy nhất Bác gửi cho ngành nghệ thuật. Đó là bức thư mà giới mỹ thuật Việt Nam được vinh dự đón nhận vào ngày 10.12.1951 cách đây hơn 70 năm đã trở thành “Ngày truyền thống Mỹ thuật” đầy ý nghĩa thiêng liêng của giới mỹ thuật Việt Nam. Hằng năm giới mỹ thuật Việt Nam đều tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm để cùng nhau ghi nhớ và nhìn lại việc thực hiện những điều Bác viết trong thư. Giới mỹ thuật Việt Nam còn mãi nhớ đến Bác là người từng học vẽ và đã vẽ một số bức tranh châm biếm rất sinh động nhằm vạch mặt bọn đế quốc thực dân phong kiến mà họa sỹ thiên tài Picasso đã có lần xem và nói “Nếu như anh tiếp tục theo đuổi con đường hội họa thì biết đâu đấy cũng có thể có một Nguyễn Ái Quốc danh họa” (Tạp chí Xưa và Nay số 102 tháng 10 – 2001 trang 3).

Có phải do Bác có nhiều am hiểu và từng đích thân sáng tác mỹ thuật nên đã dành nhiều ưu ái cho ngành mỹ thuật? Các cuộc triển lãm lớn vào những năm 1945, 1946, 1958, 1960, 1962, cho đến hai cuộc triển lãm mỹ thuật Ký họa Miền Nam, Bác đều đi xem và có những nhận xét quý báu. Ngoài ra Bác còn đến thăm các trường Mỹ thuật, gặp gỡ trò chuyện và từng “ngồi mẫu” cho các họa sỹ, nhà điêu khắc sáng tác. Triển lãm Mỹ thuật năm 1951, Bác vì bận không đi xem được nên đã gửi thư cho các họa sỹ. Bác không dạy bảo gì cụ thể riêng cho giới mỹ thuật mà giáo huấn chung cho cả giới văn nghệ sỹ nước nhà. Hơn 70 năm qua giới văn nghệ sỹ nói chung và mỹ thuật nói riêng hầu như đều nhận thức và lĩnh hội sâu sắc nội dung bức thư ngắn gọn chưa đầy 300 chữ mà vô cùng súc tích, toàn diện của Bác. Chẳng những là lần đầu tiên Bác xác định rõ vị trí của văn hóa nghệ thuật và vai trò của văn nghệ sỹ trong xã hội mà còn chỉ ra những mối quan hệ giữa văn hóa nghệ thuật với cuộc sống, với kinh tế, chính trị, với đối tượng phản ánh, với công chúng hưởng thụ hay với việc nâng cao chất lượng sáng tác và tiền đề của văn hóa nghệ thuật. Đây cũng chính là những lời giáo huấn mang ý nghĩa vạch đường có giá trị lý luận và thực tiễn được xem như một văn kiện quan trọng mãi giữ nguyên giá trị mà trong chủ trương đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng và nhà nước đều thường nhắc đến như những chân lý mãi tỏa sáng “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy… “. Câu nói bất hủ ấy của Bác đã trở thành điều tâm niệm sâu sắc trong hành động xuyên suốt trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của các “chiến sỹ nghệ sỹ”.

Mỹ thuật Bắc Giang hòa chung trong dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam, các “chiến sỹ nghệ sỹ” đi vào chiến trường với những tác phẩm tranh Cổ động, dùng ngôn ngữ đặc sắc của tranh Cổ động phục vụ kháng nhiến, phục vụ Cách mạng, nhất là những năm kháng chiến chống Mỹ tranh cổ động bùng nổ nhiều tác phẩm xuất sắc, đắc lực cổ vũ nhân dân cả nước xốc tới trong cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc. Các thế hệ họa sỹ ở mọi miền Tổ quốc trong đó có Bắc Giang đã vẽ nhiều tranh, tượng ca ngợi khí thế chiến thắng, ca ngợi chính nghĩa nhân dân Việt Nam với bạn bè năm châu, tiêu biểu như: tượng đài ngã tư thị trấn Thắng, Hiệp Hòa khởi nghĩa năm 1969, nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh và sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội thực hiện; tượng đài chiến thắng ở ngã tư thị trấn Kép – Lạng Giang, nhà điêu khắc Nguyễn Hải và sinh viên trường Mỹ thuật công nghiệp thực hiện. Đặc biệt tranh Cổ động có hình tượng Bác Hồ được các họa sỹ vẽ rất nhiều đã đem đến cho nhân dân hậu phương, chiến sỹ nơi chiến trường một niềm tin tất thắng.

Chiến tranh kết thúc, bước vào xây dựng kiến thiết đất nước, những “chiến sỹ nghệ sỹ” ấy vẫn tiếp tục hoạt động trên mặt trận văn hóa đã có nhiều những hoạt động mang tính chuyên môn rõ nét, nhất là từ khi thành lập Hội Văn nghệ Hà Bắc năm 1980. Mỹ thuật đã có những bước chuyển mới. Năm 1997 địa giới hành chính thay đổi, tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Mỹ thuật Bắc Giang có những thay đổi lớn, mỹ thuật đã có những chuyên sâu hơn trong nghệ thuật, phục vụ nhân dân ở cảm thức nghệ thuật trên một tầm cao mới. Ngoài các tác phẩm trong các cuộc triển lãm mỹ thuật mang tính quốc gia như: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Điêu khắc toàn quốc, Mỹ thuật quân đội toàn quốc. Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phân chia triển lãm mỹ thuật  thành 8 khu vực, tổ chức thường niên mỗi năm một lần đến nay được 27 năm. Mỹ thuật Bắc Giang nằm trong khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc (15 tỉnh) cho đến nay được trao 38 giải thưởng cấp khu vực và toàn quốc, trong đó có cả cấp quốc tế, tiêu biểu như: Họa sỹ Lưu Thế Hân, Nguyễn Văn Tơn, Anh Vũ, Nguyễn Duy Lập, Vũ Công Trí, Vũ Xuân Tình, Nguyễn Hữu Thái, Đỗ Ngọc Quân… Ngoài các tác phẩm mang tính cá nhân ngày càng phong phú đa dạng, các tác phẩm phần lớn có nội dung lành mạnh, tích cực, hình thức thể hiện nhiều đổi mới. Đề tài lịch sử hào hùng của đất nước, những trang sử vẻ vang chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn tiếp tục thu hút các họa sỹ Bắc Giang cả cao niên và tuổi trẻ tham gia. Trong công cuộc đổi mới đất nước, họa sỹ Bắc Giang cũng rất tích cực phát hiện cổ vũ cái mới, cái đẹp, tiến bộ, nêu gương những nhân tố mới điển hình tiên tiến trong lao động học tập, phê phán thói hư tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội… được thể hiện sinh động trong các tác phẩm.

Song hành những tác phẩm nghệ thuật, mảng tranh Cổ động đã phục vụ rất đắc lực trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đến nay vẫn còn giữ chức năng này. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng tranh cổ động đã không còn phù hợp trong đời sống đương đại. Song trong công tác tuyên truyền về văn hóa hiệu quả vẫn cần và coi trọng các họa sỹ vẽ tranh Cổ động. Cuộc sống nhiều gương điển hình tiên tiến trong xây dựng phát triển kinh tế đất nước, việc xóa đói giảm nghèo, những kỳ tích của dân tộc trong thực hiện nghị quyết của Đảng và chính phủ trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong xây dựng nông thôn mới hôm nay… đều đáng được ngợi ca bằng ngôn ngữ của hội hoạ. Tuy vậy các họa sỹ Bắc Giang vẽ chưa nhiều và chưa đẹp, chưa xứng tầm thời cuộc đòi hỏi. Bên cạnh vai trò tích cực mà công nghệ đem lại, nhiều họa sỹ lạm dụng công nghệ tin học, hàng loạt tranh được vẽ bằng máy ra đời, chất lượng không xứng kỳ vọng, trùng lặp về ý tưởng, bố cục đơn điệu, mầu sắc na ná giống nhau, phụ thuộc vào máy gây phản cảm khô cứng. Ảnh hóa tranh cổ động? lạm dụng ảnh lắp mảng, điền chữ thành tranh, thậm chí bê nguyên si bức ảnh đưa mầu họa tiết thành tranh. Không nên quay lưng lại với công nghệ tin học nhưng tranh Cổ động là sự sáng tạo của khối óc, con tim giàu cảm xúc…

Một lĩnh vực khác của Mỹ thuật Bắc Giang cũng cần nhắc đến đó là mảng viết nghiên cứu và trao đổi về mỹ thuật. Lĩnh vực này của mỹ thuật Bắc Giang trước kia gần như vắng bóng những bài viết thì nay đã có những họa sỹ để ý và viết như họa sỹ Nguyễn Duy Lập, Nguyễn Trần Vũ, Nguyễn Văn Tĩnh, Vũ Công Trí… tuy nhiên nội dung còn chưa phong phú…

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, phải thừa nhận rằng: Mỹ thuật Bắc Giang còn nhiều hạn chế, đó là mỹ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu thưởng thức của nhân dân, chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, chưa phản ánh sâu sắc sinh động những hiện thực lớn lao của tỉnh và đất nước. Trong giai đoạn lịch sử quan trọng, nhất là trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều đáng lưu ý là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập đã và đang xuất hiện xu hướng “thương mại hóa” cùng những biểu hiện bắt chước, đạo tranh, lai căng trên nhiều phương diện nội dung, hình thức làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của Mỹ thuật Bắc Giang, ảnh hưởng tới việc giáo dục tư tưởng thẩm mỹ trong công chúng. Cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để vẽ nhưng quan trọng là nói như thế nào, vẽ như thế nào? Nhiều người bảo mỹ thuật phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình trong tác phẩm mỹ thuật. Mỹ thuật cần nâng cao con người chứ không phải chỉ là giãi bày tâm trạng cá nhân hạ thấp con người, rất mong có những tác phẩm mỹ thuật thể hiện rõ điều đó để đưa mỹ thuật Bắc Giang lên một tầng cao mới. Không để sự tầm thường dễ dãi đè nén, các họa sỹ cần thường xuyên học hỏi rút ra những bài học tốt từ những thế hệ trước để có thể đi xa. Bài học đó là khát vọng lớn lao, ước mơ nghệ thuật rõ ràng, tác phẩm không phải chỉ là tâm trạng cá nhân gặm nhấm tâm tư yếm thế, lấy những tiểu xảo, chất liệu sáng tác lòe người xem thay thế tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi mỹ thuật chỉ là thú vui, giải trí, hoặc một trò chơi, một đam mê tầm thường…

Bên cạnh số đông họa sỹ Bắc Giang gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình cho sự nghiệp mỹ thuật Bắc Giang cũng có những họa sỹ phai nhạt mục tiêu, xem nhẹ trách nhiệm xã hội, tác phẩm mỹ thuật thường xa rời thực tế đời sống của đất nước.

Nhận rõ vị trí vai trò đóng góp của Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang đã luôn coi trọng công tác xây dựng bổ sung kết nạp những hội viên mỹ thuật mới. Cố gắng tạo điều kiện để anh chị em chi hội mỹ thuật phát huy tài năng, định hướng đúng đắn cho mỹ thuật Bắc Giang phát triển phù hợp với con đường đi lên của dân tộc. Đề ra chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tác, mở các trại sáng tác mỹ thuật theo các chuyên đề bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm hội viên, trách nhiệm xã hội của các họa sỹ, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các họa sỹ đi thực tế sáng tác, dự khai mạc triển lãm mỹ thuật khu vực thường niên…

Để có những tác phẩm đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống hiện đại, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang cũng cần tổ chức các trại sáng tác Mỹ thuật mang tính chuyên sâu hơn, để tạo điều kiện cho các họa sỹ làm tốt thiên chức của mình bám sát hơi thở cuộc sống, có thêm nhiều tác phẩm hay, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật phản ánh sâu sắc hiện thực của vùng đất con người và nhân dân Bắc Giang, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của đời sống Mỹ thuật nói riêng và đời sống văn học nghệ thuật Bắc Giang nói chung.

 Vũ Công Trí – Khoa Văn hoá Mỹ thuật

Trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here