Được phân công giảng dạy môn học nghiên cứu Vốn cổ trong chương trình đào tạo trung cấp mỹ thuật đã nhiều khoá học, mỗi khoá trình độ của học sinh có khác nhau, cách tiếp cận với Vốn cổ dân tộc khác nhau nên giáo viên cũng phải tìm những phương pháp khác nhau để học sinh dễ dàng tiếp cận môn học này. Bài viết mang tính chất tài liệu tham khảo cho học sinh…
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”…
Quả bình vôi này muốn nhấc lên cứ phải hai tay nâng đỡ khệ nệ. Tầm cỡ bình vôi ngày xưa hẳn đã đứng bậc cực đại. Ấy là cái thời ham chuộng chân thực mọi vật cất công làm ra đều phải có công năng ứng dụng thực tế, tiện ích cho cuộc sống cho con người. So làm gì với mấy bộ bình vôi nhái cổ vừa tạo tác hôm nay. Năm quả to vật vã, lớn dần tới cao ngang mặt người, chỉ để trưng bày chơi chơi, người làm ra đi khoe kỹ thuật, người chuốc lấy để hãnh diện của độc khác người…
Tôi ngắm mãi quả bình vôi cổ có được từ những ngày đầu đời mon men cùng thú chơi cổ vật. Dáng quả hồng tròn trịa nây nả, dày dặn một lớp men xanh mờ, dịu ngọt như một ánh trăng non, chân cao lộ cốt đất xam xám tô vệt màu đậm hoa nâu, dấu ấn rõ rệt của gốm sứ cuối thời Lý đầu thời Trần. Chắc nịch mà sang trọng. Giản dị mà tinh tế. Của này phải là sở hữu của những Công nương, Quận chúa, đại gia nơi dinh thự hay Cung phủ nào.
Dấu vết còn lại của quai xách là hai bên mặt hổ phù nét in tinh xảo. Thoáng tưởng dữ dằn, nhìn kỹ lại thấy Linh vật cười cười ngộ nghĩnh đáng yêu vô cùng. Càng tiếc cái quai bình chẳng biết làm sao gãy vỡ tự bao giờ. Tiếc thì tiếc vẫn được an ủi rằng, giá quai của ông bình vôi này mà còn thì giá trị hàng cây vàng, đâu đến lượt cái túi tiền còm của mình rước về được.
Bê hẳn quả bình vôi ra hiên soi trong nắng xuân, giữa cái gió lạnh se se, tôi nghe cả hai gan bàn tay mình thoạt tiên mát dịu, rồi ấm dần lên hơi lửa từ ngót nghét nghìn năm truyền lại khiến lòng tôi bừng thức một thứ ánh sáng khác lạ.
Biết đâu quả bình vôi mất quai của tôi cũng như bức tượng thần Vệ nữ ở đảo Mi Lô hai tay mất tích nơi đáy biển. Bao nhà nghệ thuật đã loay hoay thử tìm cho tượng những dáng tay bù đắp, đều thấy là thô thiển chắp vá. Thà cứ để nữ thần khiếm khuyết nguyên bản lại hơn. Biết đâu quả bình vôi của tôi chẳng được sự khôn ngoan, độ lượng như thế chấp nhận… quả thực, chơi cổ vật là một cái thú không đơn giản chút nào.
Ai chẳng biết, đã gọi là nghề chơi, từ chơi chim, chơi hoa cây cảnh, chơi đá lũa, gỗ lũa, chơi đàn, nhạc, chơi tranh, tượng, chơi thể thao, cho đến chơi sân khấu, chơi Quan họ…từ bao đời rồi, các cụ vẫn dạy rằng, đã là chơi thì nghề nào cũng đều “ Tử công phu” cả. Câu ca nằm lòng hình như ai ai cũng thuộc:“Nghề chơi cũng lắm công phu/ Làng chơi ta phải biết cho đủ vành”, nhẹ nhàng hơn thì cũng phải đọc là: “Làng chơi ta phải biết cho đủ mùi”… “ Đủ Vành” là lắt léo thuộc về nghệ thuật biến hoá bắt đầu từ yêu cầu chí ít cũng phải sạch nước cản mới mong nhập cuộc được. Còn “Đủ mùi” lại có ý nhấn mạnh về nghệ thuật thưởng thức cái hay cái đẹp của sự chơi…
Chơi cổ vật hình như gộp chung chung đủ hai mặt của sự biến hoá và thưởng thức. Hai mặt này bổ sung cho nhau, thành một cái thú với lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần.
Riêng với cổ vật là chơi với thời gian, Năm tháng sẽ qua đi, nhưng di vật thì còn lại, càng ngày càng hiếm, nên càng có giá trị. Phàm đã hiếm đều quý. Phàm đã thuộc quá khứ đều cổ. Nhìn quả bình vôi ta như gặp bóng dáng của bà, của mẹ…nhìn chiếc đĩa cổ trên đấy là một bài thơ tứ tuyệt vịnh con nước mùa thu vơi cạn vời vợi mà lòng lại nghĩ đâu đâu. Người thợ vẽ tranh trên sứ phất dăm ba nét phóng khoáng đủ gợi một con đò lênh đênh,đứng bên con đò là một ông già lòng khòng hai tay khoanh trong áo thụng râu tóc bơ phờ, ông lão nhìn vào chốn xa xăm thăm thẳm một kiếp phong trần…Cái khiến ta thấy bâng khuâng mỗi khi nhìn vào đó chính là ở chỗ lòng ta thèm muốn được gặp lại bóng dáng xưa, bóng dáng văn hoá của những tháng năm một đi không còn trở lại. Chơi cổ vật mà không nhìn được như thế thì bất quá mọi thứ gọi là đồ sứ cổ cũng chỉ là mảnh sành, mảnh chĩnh mà thôi. Cái dáng xưa, cái dấu xưa nó nằm đâu đó trong một nửa câu thơ, trong một mảnh gốm, mảnh sứ, trên một bậc thềm rêu phong và thật thảng thốt nó nằm ngay trong lòng ta…
Đôi khi rỗi rãi, lấy từng món cổ vật ra chiêm ngưỡng là ta đã làm những cuộc du lịch ngược dòng thời gian trăm năm, nghìn năm ngay trong ngôi nhà quen thuộc của mình. Khoái cảm trước vẻ đẹp lắm khi mỹ mãn của cổ vật, tâm hồn chúng ta sẽ mở ra bao tình cảm, từ đồng điệu tới cảm phục, lòng tự hào, lòng biết ơn bao thế hệ đi trước, chẳng những ta học được từng tiếng nói của mỗi loại vật chất đá, gỗ, đồng, vải, giấy, gốm, sứ… mà chúng ta còn thâu nhận được bài học cụ thể về văn hoá, lịch sử…
May mắn là từ khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới đến nay, nghề chơi cổ vật có từ xa xưa đã nhanh chóng được khôi phục và nâng lên một tầm cao mới trong một cách nhìn thông thoáng hơn nhiều. Đây là một thú chơi không những góp phần mở mang kiến thức, bồi dưỡng tình cảm thẩm mỹ,cùng là việc di dưỡng tính tình, tác động tốt đến sức khoẻ của người thưởng thức giá trị nhiều mặt của cổ vật, mà còn giúp cho việc bảo vệ các di sản vật chất và phi vật chất đặc biệt không để cho tình trạng chảy máu cổ vật ra nước ngoài. Tôi biết có những nhà sưu tập đã mua từ nước ngoài về nhiều cổ vật quý hiếm cho bộ sưu tập của mình.
Và, thú chơi cổ vật đã thành phong trào quần chúng không những thu hút đông đảo mọi người, mọi nghề nghiệp, mọi lứa tuổi. Hội Di sản Việt Nam ra đời, riêng ở Bắc Giang đã có bốn, năm chục hội viên, người nào cũng có những bộ sưu tập riêng vừa phong phú, vừa đa dạng. Có những người đã được báo chí, truyền hình phát thanh ở tỉnh, và trung ương giới thiệu tuyên truyền. Có những người đã đủ nội lực để thành lập bảo tàng tư nhân đang trông chờ sự giúp đỡ của ngành văn hoá sớm hoàn thành thủ tục để được khai trương. Cho tới nay tại Bảo tàng Bắc Giang là nơi thu hút và tập hợp những người đam mê thú chơi cổ vật đã tổ chức hai cuộc trưng bày của các hội viên Di sản Việt Nam đều tạo dư luận tốt.
Ngày xuân lan man cùng chuyện cổ vật tôi muốn tự hỏi mình chả nhẽ tốn kém công phu vất vả lâu dài thế mà là một thú chơi sao?
Chính làn da men mát lạnh của quả bình vôi mất quai đã trả lời cho tôi. Dẫu sao thì những cổ vật đang hiện hữu trước mắt cũng đã bạn bầu với nhau gần ba chục năm rồi…
Vũ Công Trí – Khoa nghệ thuật