TẢN MẠN VỀ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ ĐỒ GỐM SỨ XƯA CỦA VIỆT NAM

0
2080

Trong khuôn khổ bài viết này là người trong giới mỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi và tìm hiểu về đồ gốm, sứ xưa của Việt Nam qua góc nhìn Văn hoá và Mỹ thuật. Tôi hy vọng có thể nêu sơ lược được một số vấn đề phản ánh sự hiểu biết hạn hẹp về thực tiễn đồ gốm, sứ xưa của Việt Nam như thế nào và giá trị Văn hoá của đồ gốm, sứ xưa ra sao…

Trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã trải qua bao cuộc chiến tranh chống xâm lược và nội chiến nhưng dân tộc Việt vẫn tồn tại và phát triển. Đồ gốm sứ xưa là những đồ vật câm lặng, nhưng chúng lại hàm chứa nội dung văn hoá, mỹ thuật trang trí dân tộc phong phú. Đó chính là một phần“đời sống” của người Việt còn lại, là chất men tạo sự đam mê cho giới chơi đồ gốm sứ xưa ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Các đồ gốm sứ xưa đã được người Pháp nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20 sau khi Pháp chiếm Việt Nam và thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO).

Đó là đồ gốm sứ Phùng Nguyên, gốm sứ Sa Huỳnh, gốm Hoa Lộc được làm cách ngày nay hàng ngàn năm ở Lạc Việt trước khi người Hán xâm chiếm. Điều đặc biệt ở đồ gốm sứ Phùng Nguyên, Sa Huỳnh, Hoa Lộc  là những đồ vật gia dụng được trang trí hoa văn từ vô tình trong quá trình sản xuất đến chủ ý sáng tạo hoa văn trang trí. Qua những mẫu hình trang trí trên đồ gốm sứ xưa có thể nhận biết hình ảnh hoa văn trang trí bằng các hoạ tiết như hình ảnh người nhảy múa, chèo thuyền, săn bắn, gia súc, gia cầm chim, thú… Đây quả là bức tranh sinh động phong phú về cuộc sống lao động và sinh hoạt lao động của tổ tiên người Việt thời đó…

Lịch sử đất nước Việt Nam theo năm tháng các công trình kiến trúc nghệ thuật đã bị đối xử tồi tệ bởi chiến tranh và những di vật làm bằng gỗ, giấy, hay vải không thể tồn tại bởi khí hậu nóng, ẩm mưa nhiều nhưng đồ gốm sứ vẫn thì vẫn còn sót lại. Đồ gốm sứ xưa là một loại hiện vật cụ thể tạo nên một phần đáng kể của sự khẳng định nghệ thuật, truyền thống văn hoá của nước Việt hơn nhiều dạng văn hoá khác mà người Việt đã sản sinh ra từ xa xưa.

Đồ gốm sứ xưa chúng quý bởi chúng tàng chứa các giá trị văn hoá, mỹ thuật, chứng nhận cho một cộng đồng tại từng thời điểm Lịch sử nhất định. Chúng truyền bá những giá trị Văn hoá của dân tộc Việt cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng như giới thiệu với cộng đồng Quốc tế.

Đứng trước một cổ vật đồ gốm sứ xưa của người Việt trong nhận thức và mỹ cảm của mỗi người sẽ khác nhau, người thì thấy chúng chẳng có giá trị gì vì hết công năng sử dụng, người buôn bán đồ xưa thấy giá trị về tiền, người làm công tác Bảo tàng thì thấy giá trị văn hoá lịch sử, người chơi chơi đồ xưa thì trầm ngâm như đang đối diện với xã hội và con người xa xưa, người làm công tác mỹ thuật thì thấy những giá trị tạo hình, trang trí …Tuỳ theo góc độ tiếp cận và trình độ mà mỗi người thấy chúng có những giá trị khác nhau…

Ngôn ngữ của đồ gốm sứ xưa là tổng hợp của tất cả những gì biểu hiện bên ngoài của những nội dung chứa đựng ở bên trong. “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ niên” là câu cửa miệng của những người mới quan tâm chơi đồ gốm sứ xưa. Nghệ thuật tạo hình, tạo dáng, công năng sử dụng độc đáo và hiếm bao nhiêu thì quý bấy nhiêu. Mầu men nước da bên ngoài, có men và không men trải qua năm tháng nước men đã rạn, mầu sắc đã phai thậm chí còn bong tróc nếu đồ có men xám đục kiểu trứng ung được nhiều người chuộng. Xem đến tính toàn vẹn không sứt mẻ, rạn nứt… cuối cùng mới đến niên đại. Có đồ có dòng Văn Minh ghi chú ,có đồ không nên phải căn cứ vào ba yếu tố ở trên để xác định. Về Niên đại đồ gốm sứ xưa rất dễ bị làm giả, chỉ những người có chuyên sâu, có kinh nghiệm thực sự mới xác định và cảm nhận đồ thật một cách chính xác, từ các loại đất và một số khoáng chất tạo cốt, sa khoáng và thảo mộc tạo nước men qua bàn tay tạo dáng tạo hình trang trí và ngọn lửa “thiêng” của kiểu lò nung cổ đã biến hoá thành những đồ gốm sứ muôn hình vạn trạng theo nhu cầu công năng sử dụng, thưởng thức của con người rồi lại qua thời gian trở thành đồ xưa …Tất cả vật liêu cùng quá trình sản xuất và nhận thức thẩm mỹ của người lao động đều chuyển hoá thành thông tin, những ngôn ngữ của đồ gốm sứ xưa truyền nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Dáng vẻ, mầu men, đường nét, hoạ tiết trang trí, sự toàn vẹn, niên đạị, cốt đất, chất men nhiệt độ nung, những dòng Minh văn đòi hỏi phải có kiến thức hiểu biết một cách khoa học.

Đi sâu vào nhận thức thẩm mỹ và các câu hỏi lần lượt xuất hiện và tự giải đáp đòi hỏi sự kết hợp nhiều tri thức chuyên ngành và liên ngành đòi hỏi nghiên cứu và so sánh.

Đồ gốm sứ xưa là đối tượng nghiên cứu trực tiếp của Khảo cổ học, Nghệ thuật học, Mỹ thuật, Bảo tàng…là người bạn thân thiết đam mê của người chơi đồ gốm sứ xưa. Qua giao lưu văn hoá, kinh tế đồ gốm sứ xưa vừa mang trong mình sản phẩm vừa để lại dấu tích của hành trình giao lưu.

Nhờ đồ gốm sứ xưa chúng ta có thể lần theo quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á, cho tới Tây Á, và Tây phương. Cũng qua dấu vết đồ gốm sứ xưa các nhà khoa học đã khám phá và phục dựng dần “con đường tơ lụa trên bộ”“con đường tơ lụa trên biển” còn được gọi là “con đường giao lưu gốm sứ”. Đây chính là những hành lang giao lưu kinh tế, văn hoá của nhiều thế kỷ giữa Phương Đông và Phương Tây. Đồ gốm sứ xưa là sứ giả và chứng tích của mối quan hệ Bang giao thông thương giữa các Quốc gia, các dân tộc trong Lịch sử.

Văn hoá đồ gốm sứ xưa của Việt Nam mở ra cho mọi người một giá trị mênh mông, thoáng đãng vô cùng vô tận về đời sống xã hội xa xưa. Ý nghĩa và giá trị hiện vật luôn được nối dài và sống thêm nhờ vào cách “Đọc” cách thưởng thức của mỗi người, mỗi thời đại. Cảm thụ là sáng tạo, con đường cảm thụ gốm sứ cổ vẫn còn là câu chuyện dài, những gì nhận thức của mỗi người là một hành trình tiếp cận.

Vũ Công Trí – Khoa nghệ thuật

Trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here