Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo thường được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hóa đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt – là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, độc lập tự chủ và sáng tạo.
Nghề dạy học là một nghề cao quý, bởi những người thầy, người cô đem đến tri thức, nhân cách và xây dựng tương lai cho học trò. Trong không khí vui tươi cả nước chào mừng 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2021, từ Bắc vào Nam trên khắp mọi miền tổ quốc các thế hệ học trò đều nhớ đến những người thầy, người cô của mình. Nếu so sánh những người học trò ngây ngô, trong sáng như những chú chim non, thì thầy cô chính là những người chắp cánh ước mơ, để sau này khi trưởng thành những người học trò đó có thể bay đến mọi miền của Tổ quốc, đem sức trẻ của mình cống hiến cho non sông đất nước ngày một giàu đẹp. Người đời vẫn thường ví người thầy với hình ảnh người lái đò thầm lặng chở khách qua sông. Tuy nhiên, sẽ chẳng có hình ảnh nào đủ cân xứng để so sánh công lao của thầy với những thế hệ học trò. Quả thế, vai trò của người lái đò đơn thuần là đưa khách qua sông, còn những bài giảng và tình cảm mà thầy cô đã dành cho các thế hệ học trò sẽ còn đọng lại mãi mãi trong tâm trí của người học. Và không có chuyến đò nào lại khó chèo lái hơn chuyến đò trở “tri thức”. Những vất vả, sự tận tụy của các thầy cô đã giúp cho biết bao thế hệ học trò thành người. Và đúng là “ Không có bài học đạo đức nào bằng nhân cách người thầy”. Những người thầy đã khắc phục mọi khó khăn, thách thức, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “vì lợi ích trăm năm trồng người” mà Đảng và nhân dân tin yêu giao phó. Nhiều nhà giáo tâm huyết, tận tụy với nghề, đặc biệt là những thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp, gieo từng con chữ trên những vùng đất khô cằn, sỏi đá, với hy vọng cháy bỏng: yêu thương sẽ nảy mầm. Những tấm gương sáng của các thầy cô khiến cho nghề giáo mãi mãi được xã hội tôn vinh và ghi ơn – những người suốt đời cống hiến sức lực, tuổi trẻ, tài năng và trí tuệ của mình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo ra nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự tôn dân tộc, đưa đất nước tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường hội nhập quốc tế.
Nguyễn Thị Thoa – Phòng KHĐT