Hoạt động thực hành biểu diễn trong đào tạo nghệ thuật

0
1847

Thực hành nghề là một yêu cầu bắt buộc đối với hệ thống các trường đào tạo nghề trên toàn quốc. Đây là hoạt động giúp cho học sinh sinh viên được thực hành trên thực tế những kiến thức lý thuyết có phần hàn lâm trong các giờ giảng. Đặc biệt, đối với các trường nghệ thuật, hoạt động thực hành biểu diễn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đào tạo học viên. Hoạt động này góp phần nâng cao khả năng biểu diễn, giúp các em rèn luyện kỹ năng biểu diễn ngay từ khi học tập trong nhà trường. Từ đó, sau khi ra trường, học sinh có thể tự tin đáp ứng tốt yêu cầu công việc của các đơn vị hoạt động nghệ thuật.

Chương trình thực hành nghệ thuật là hoạt đông thường niên được nhà trường tổ chức vào mỗi kỳ học. Đây được coi như một sân chơi bổ ích cho tất cả học sinh các chuyên ngành khác nhau của khoa Âm nhạc và Sân khấu. Ban đầu, chương trình tập trung vào đối tượng học sinh có kết quả học tập vượt trội, báo cáo các tác phẩm có chất lượng tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hành nghề đối với tất cả học sinh thuộc các chuyên ngành khác nhau, chương trình thực hành nghệ thuật mở rộng đối tượng đảm bảo 100% học sinh được tham gia biểu diễn trên sân khấu lớn. Điều này đã có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với học sinh đặc biệt là các em có kết quả học tập chưa thực sự nổi trội. Qua những chương trình này, các em được rèn luyện, nâng cao kỹ năng biểu diễn, được trải nghiệm khoảnh khắc cống hiến trên sân khấu để nỗ lực tỏa sáng. Ngoài việc khích lệ các em tự tin, rèn luyện bản lĩnh sân khấu, chương trình thực hành nghệ thuật cũng là nơi để các em học tập, trau dồi đạo đức nghề nghiệp – một ngành nghề đòi hỏi khắc nghiệt, luôn phải đứng trước thách thức của sự chọn lọc.

Những năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn chung của các trường Trung cấp nghệ thuật trong công tác tuyển sinh đầu vào, nhà trường ít có sự lựa chọn học sinh. Phần lớn, học sinh không có tố chất nổi trội. Do đó, quá trình đào tạo gặp phải không ít khó khăn, từ việc định hướng chuyên ngành cho các em tới việc đào tạo phải theo phương thức bắt tay chỉ việc. Giáo viên dường như phải sử dụng nhiều “giáo án” khác nhau cho một lớp học để phù hợp với năng lực, khả năng nhận thức của từng học sinh. Với đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, được đào tạo bài bản và được khẳng định qua các kỳ thi giáo viên giỏi toàn quốc, khoa Âm nhạc và Sân khấu đã biến những khó khăn thành cơ hội khi lựa chọn những phương pháp giảng dạy phù hợp kết hợp chặt chẽ với hoạt động thực hành biểu diễn nghệ thuật. Nhiều năm liên tục, nhà trường đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong các Hội thi Tài năng trẻ các cơ sở đào tạo nghệ thuật toàn quốc. Tiêu biểu năm 2017, tham gia Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo Văn hóa nghệ thuật toàn quốc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhà trường đứng trong tốp 3 trường xuất sắc nhất cùng với Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh với 03 huy chương Vàng, 02 huy chương Bạc. Năm 2020, tham gia Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc tại Thành phố Huế, nhà trường đạt 01 giải Nhất; 01 giải Nhì; 01 giải Ba. Kết quả ấy cả một quá trình dài phấn đấu của thầy và trò khoa Âm nhạc và Sân khấu, sự quan tâm, sát sao, tạo điều kiện của Cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường. Đặc biệt, là sự đổi mới trong tư duy thực hành nghề cho học sinh ngay trong quá trình học tập. Thực hiện những chương trình thực hành nghệ thuật ấy là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu đào tạo nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay góp phần tạo nên thành công cho đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà cũng như cả nước.

Trần Ái Vân – Khoa LLCS,NVVH&DL

Một số tiết mục của học sinh tại chương trình thực hành biểu diễn ngày 25/12/2020

Trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here