Vương quốc Chăm pa xưa là một quốc gia cổ thuộc khu vực Đông Nam Á. Là vùng đất phong phú các sản vật quý như trầm hương, vàng, ngà voi… Đây được coi là vùng đệm giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại, đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Nền kinh tế Ấn Độ phát triển sớm, những thương nhân Ấn Độ trên đường tìm hương liệu, vàng… đã đặt chân lên vùng đất ven biển miền Trung, để giao lưu, buôn bán, các thương nhân Ấn cũng có những cuộc hôn nhân với người bản xứ và đây là một kênh quan trọng trong truyền bá văn hoá Ấn vào Chăm pa.
Trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo và tiếp biến nên một nền văn hóa đa dạng, một nền nghệ thuật dân gian đậm nét riêng. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể như hệ thống đền đài, tháp cổ, những bức phù điêu, tượng đá, bia ký rải rác khắp miền Trung, cộng đồng người Chăm hiện nay đang lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Trong đó, nghệ thuật dân gian Chăm giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng, đặc biệt là nghệ thuật múa.
Cũng như âm nhạc, múa luôn có mặt trong đời sống sinh hoạt của người Chăm. Hầu như mỗi làng Chăm đều có đội múa riêng của mình. Múa của người Chăm rất phong phú và độc đáo, có múa sinh hoạt và múa tôn giáo, múa tập thể và độc diễn, múa có đạo cụ và múa chỉ bằng động tác của tay chân và cơ thể người múa.
Nghệ thuật múa của Chăm pa xưa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ rất đậm. Không phải ngẫu nhiên mà sử liệu Việt chép rằng, khi tấn công vào thành Phật Thệ, vua Lý Thái Tông sai bắt các cung nữ giỏi hát múa các điệu Tây Thiên (Ấn Độ) đem về (theo Ngô Văn Doanh – Văn hoá Chăm pa).
Một trong những điệu múa mang tính phổ thông nhất của người Chăm là múa quạt. Sở dĩ gọi là múa quạt vì khi múa, các vũ nữ dùng quạt làm đạo cụ, chứ điệu múa thể hiện những sinh hoạt tinh tế của loài chim. Cũng là múa quạt nhưng các điệu múa lại nhiều, như: múa công, múa gà lôi, múa chim trĩ… Các động tác múa đa dạng, mô phỏng các động tác múa của chim… (theo Ngô Văn Doanh – Văn hoá Chăm pa)
Trong nghệ thuật múa dân gian Chăm, múa “thiêng” chiếm giữ một vị trí quan trọng. Thậm chí, có cả một hệ thống lễ hội mang tên là lễ múa như: Rija Nưgar – lễ múa xứ sở đầu năm; lễ Rija Harei – lễ múa ban ngày; Lễ Rija dayau – lễ múa ban đêm; Lễ Rija praung – lễ múa lớn. Hầu hết các lễ hội Chăm đều có sự tham gia của các vũ sư như Ong Kaing (ông bóng), bà Muk pajow (bà bóng khu vực tôn giáo), bà bóng Muk Rija (bà bóng của dòng họ – bản thân tên gọi chức sắc cũng đã là bà múa: Rija trong tiếng Chăm có nghĩa là múa).
Lễ múa bóng mang tính tập thể và được tổ chức ở sân đền, hoặc mang tính gia đình và được tổ chức ngay tại sân nhà gia chủ. Trong suốt buổi hành lễ, thầy bóng không nói mà chỉ múa diễn đạt ý nguyện cũng như thể hiện sự hiện diện của thần linh. Vì thế, các động tác của múa bóng rất phong phú. Trong lễ múa bóng có múa kiếm, múa chèo thuyền, múa nhảy ngựa, múa roi. Mặc dầu, mỗi nghệ nhân có thể sáng tạo theo cảm hứng, nhưng về cơ bản những động tác và tạo hình căn bản lại thống nhất: nhảy một chân co, một chân duỗi, giẫm hai chân cùng một lúc, nhấn hai cổ tay, lượn vòng cánh tay… Có lẽ, những điệu múa giữ lại những hình ảnh xa xưa của vương quốc Chăm pa hiện còn tồn tại ở người Chăm là những điệu múa trình diễn trong hội lễ Chà Và. Chà Và là hội lễ lớn hằng năm thường được tổ chức vào tháng Giêng lịch Chăm (khoảng tháng tư dương lịch). Mục đích của lễ Chà Và là chầu vua Pô Rômê và tưởng niệm các tổ tiên, các anh hùng của người Chăm.
Ngoài những điệu múa thiêng, người Chăm còn có những điệu múa sinh họat, hội hè. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ thiếu nữ hay phụ nữ Chăm nào cũng biết. Các vũ nữ dùng những chiếc quạt vải có rua nhiều màu sắc và khăn dài, tượng trưng cho những cánh chim như những điệu múa Piđiềng (chim công), Kamang (gà lôi), Marai (chim trĩ)… Múa Chăm luôn đi đôi với âm nhạc, tên các tiết điệu trống đồng thời cũng là tên các điệu múa. NSND Đặng Hùng đã tổng kết: “Múa và âm nhạc Chăm luôn đồng điệu với nhau giữa động tác và nhịp trống, điệu nhạc Piđiềng thì có động tác múa Piđiềng, điệu trống Patra thì có điệu múa Patra, điệu trống Tiong thì có múa Tiong”.
Trong vũ đạo Chăm pa, không chỉ tay, chân mà toàn bộ cơ thể đều cùng tham gia. Các vũ điệu trên các hình khắc của Chăm pa cho chúng ta biết khá nhiều những tư thế, động tác và nhịp điệu của hầu như tất cả các bộ phận trên cơ thể từ tay chân đến đầu, cổ, từ mắt đến thân mình của các vũ công. Những động tác tư thế đó đều là những động tác hay tư thế có nguồn gốc Ấn Độ. Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với vũ đạo Chăm không chỉ ở tư thế, động tác mà còn ở cả quan điểm thẩm mỹ về cái đẹp của cơ thể con người. Cũng như ở Ấn Độ, trong khi múa, các vũ nữ Chăm pa bao giờ cũng phô diễn vẻ đẹp kiều diễm của cơ thể. Hầu như tất cả các vũ nữ Chăm pa đều để mình trần khi múa. Những đồ trang sức, những váy áo mỏng tanh, trong suốt chỉ có vai trò cho những động tác múa chứ không phải dùng để che thân (theo Ngô Văn Doanh – Văn hoá Chăm pa).
Cho đến nay, không có một văn bản nào nói về múa Chăm. Vì vậy, nguồn tài liệu duy nhất giúp chúng ta hiểu về nền âm nhạc và múa Chăm là những hình điêu khắc đá sống động. Qua phân tích những tác phẩm điêu khắc có hình ảnh người múa, có thể nói, nghệ thuật múa Chăm pa học theo và mô phỏng khá trung thành những truyền thống vũ đạo của Ấn Độ. Vị chúa tể của vũ đạo, thần Si va, nữ thần nghệ thuật Sravasti luôn được thể hiện trong những điệu múa khác nhau, và các dạng vũ điệu Tandava luôn được thể hiện một cách khá chuẩn xác so với nguyên gốc là những minh chứng hùng hồn cho nghệ thuật vũ đạo Ấn Độ ở Chăm pa. Giống như truyền thống Ấn Độ, trong vũ đạo của Chăm pa, không chỉ tay chân mà toàn bộ cơ thể đều cùng tham gia. Mặc dù chỉ được biết qua những hình ảnh chạm khắc trên đá, nhưng chúng ta cũng phần nào thấy được vai trò to lớn của văn hoá Ấn Độ đối với nghệ thuật múa Chăm pa. Có thể nói, Chăm pa đã tiếp thu một cách nghiêm túc những hình tượng vũ đạo của Ấn Độ đến nỗi khó có thể tìm ra yếu tố nào là bản địa trong từng động tác múa được ghi lại trên những hình chạm khắc còn lại của người Chăm.
Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, Chăm pa từng là nơi qua lại của nhiều thương nhân cũng như những nhà truyền giáo, đặc biệt là các thương nhân Ấn Độ. Qua quá trình ấy, nhiều yếu tố văn hoá Ấn Độ được du nhập, bén rễ và phát triển mạnh mẽ trong đó phải kể tới nghệ thuật múa của Chăm pa. Với sự cởi mở của những người dân biển, những yếu tố văn hoá ngoại sinh ấy được tiếp biến trở thành một phần của nền văn hoá Chăm pa. Nền văn hoá ấy góp phần làm nên văn hoá Việt Nam đa dạng trong thống nhất.
Trần Ái Vân – Khoa LLCS,NVVH&DL